"Tiền không mua được hạnh phúc".
Ai thở ra câu này ra đây lói chuyện với mình và Ariana Grande.
Tiền có thể mua được nhiều thứ tạo nên hạnh phúc chứ. Thiếu những nhu cầu siêu cơ bản như thực phẩm, y tế, chỗ ở…, chúng ta không thể cảm thấy an toàn và thoải mái, chưa nói gì đến hạnh phúc.
Chẳng cần nói đâu xa, cứ đến cuối tháng là mình bớt vui bớt cười nhiều rồi í :))
Nhưng mối tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc sẽ dừng lại ở một ngưỡng nhất định.
Khi những nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, thu nhập tăng lên không còn khiến mức hạnh phúc tăng nhiều tương ứng. Các yếu tố phi tài chính như sức khỏe, tình cảm, ý nghĩa cuộc sống,… đóng vai trò quan trọng hơn thu nhập trong việc mang lại hạnh phúc.
Nói cách khác, khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, chúng ta có thể kiếm được nhiều hơn, có thể mua được nhiều thứ hơn, nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc hơn là mấy. Lý do là vì:
(i) Cơ chế thích nghi của não bộ: Chiếc não bộ của chúng ta vốn được lập trình để tìm kiếm sự cân bằng và ổn định. Nó sẽ cố gắng đưa cảm giác hạnh phúc của chúng ta về trạng thái cân bằng, và như vậy sẽ tăng độ khó cho game lần tới; và
(ii) Bẫy so sánh: Khi thu nhập lên level mới, chúng ta gặp những người ở level mới, so sánh bản thân với những người ở level trên, và không còn cảm thấy đủ.
Đây mới là lý do người giàu nói “tiền không mua được hạnh phúc”, chứ không phải lý do “để cho người nghèo đỡ tủi thân” như Tun Phạm bảo đâu.
Bài viết này sẽ viết về 03 cách dùng tiền để gia tăng sự hạnh phúc, đặc biệt khi bạn đã đạt ngưỡng thu nhập mà hạnh phúc không còn tỷ lệ thuận với sự gia tăng tài chính.
Hoặc cách để vẫn vui vẻ hạnh phúc khi đời sống vật chất có hạn như mình.
Disclaimer: Từ “mua” trong tiêu đề chỉ nói về việc làm gia tăng hạnh phúc nói chung, không nói đến khía cạnh trao đổi giá trị như cách hiểu thông thường.
1. Ưu tiên mua trải nghiệm, thay vì vật chất
Làm trong ngành dịch vụ, mình cũng thấy mọi người khá thoải mái bỏ tiền ra đối với hàng hóa, nhưng đối với dịch vụ thì lại khắt khe hơn rất nhiều: “Không đời nào t bỏ ra xx củ cho 2 tiếng đứng xem ca nhạc đâu”, “Du lịch chỉ vui được có mấy ngày”… Tương tự với trải nghiệm như triển lãm, hòa nhạc, khóa học, hoạt động thể thao,…
Nhiều người nghĩ những trải nghiệm như thế chỉ đem lại niềm vui nhất thời, còn vật chất cầm nắm được mới là thứ tồn tại và đem lại hạnh phúc bền lâu.
Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Các nhà tâm lý học phát hiện rằng có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc trải nghiệm (cảm giác hạnh phúc tại thời điểm trải nghiệm) và Hạnh phúc hồi tưởng (cảm giác hạnh phúc khi nhớ về trải nghiệm).
Vật chất có thể đem lại hạnh phúc trải nghiệm khi chúng ta sử dụng nó, nhưng rồi cảm giác hạnh phúc này sẽ nhanh chóng giảm dần khi não bộ thích nghi với tình hình.
Như cái cách mình thấy chán sau 2 tuần mua điện thoại mới. Hoặc với quần áo mới, ờm, sau 2 lần mặc thì bộ nào cũng như bộ nào.
Nhưng trải nghiệm không chỉ đem lại hạnh phúc trải nghiệm, mà nó còn tiếp tục đem lại hạnh phúc khi chúng ta hồi tưởng về nó. Thậm chí nhiều khi, càng hồi tưởng nhiều, ký ức về trải nghiệm đó càng trở nên sâu sắc và sống động hơn, và như thế cảm giác hạnh phúc tiếp tục được kéo dài và liên tục biến đổi theo cảm xúc khi hồi tưởng.
Như cái cách mình đã shopping siêu nhiều ở Bangkok, nhưng lại nhớ nhất session massage hai cẳng chân sắp rụng sau cả ngày đi bộ. Chuyến đi xa đầu tiên cùng gia đình từ hồi bé tí teo, mà đến giờ mình vẫn nhớ khi bố cõng mình leo núi lâu ơi là lâu. Nhớ cảm giác hồi hộp háo hức trong lần đầu tiên vào Sài Gòn. Nhớ cái cách tim đập thật to mà cũng thật chậm khi được đi nghe nghệ sĩ yêu thích hát. Tui nhớ hết đóooooo
Chứng tỏ, trải nghiệm đem lại hạnh phúc bền lâu hơn vật chất đấy chứ.
Bonus dành cho hội thích flex: Flex trải nghiệm thì ngầu hơn flex của cải vật chất hơn bao nhiêu, xem tấm gương legend này nè:
2. Mua cho mình
Tiền mình kiếm, thân mình làm, tất nhiên người đầu tiên xứng đáng hưởng hạnh phúc phải là bản thân mình chứ. Nhận lương xong phải đi tự thưởng liền :)))
Nhưng niềm vui của việc tiêu tiền cho bản thân sẽ không quá dài lâu, vì:
Hầu bao ngày càng rủng rỉnh của những người đi làm: Sau một thời gian đi làm thì hầu hết những gì mình muốn, mình đều có thể mua được dễ dàng. Có lẽ vì vậy mà gần đây chẳng còn gì quá hấp dẫn đối với mình nữa.
Cơ chế tự thích nghi của não bộ: Niềm hạnh phúc khi có được thứ mình muốn sẽ sớm được não đưa về trạng thái cân bằng. Phải có thứ to hơn, mới lạ hơn, ngầu hơn, xịn xò hơn, hoàng tráng hơn… thì mới đủ đô khiến bạn vui hơn.
Bạn có thể (hoặc có muốn) chạy theo những mong muốn đó mãi không?
Vật thì giải pháp là gì?
Giống như yêu nhau lâu bị chán, chúng ta cần một chút ✨khoảng cách✨
Khi bạn muốn mua gì đó, đừng rút ví luôn. Thay vào đó hãy cho nó thành một phần thưởng cho bản thân trong tương lai. Bắt chính mình chờ đợi một chút :)))
Phần thưởng khi kết thúc một project khó nhằn. Viết liên tục tới ngày thứ 20. Bước chân đầu tiên trong challenge mới. Quay trở lại viết blog. Đều là những wins rất đáng được thưởng mà.
And when you EARN it, chời ơi nó đãaaaaaaaaaaaaaaa.
Điểm cộng nữa cho những người nghèo: Khi phải chờ đợi đủ lâu, rất có thể bạn sẽ chẳng còn cảm thấy cần/ thích/ “nhất định phải mua” với món đồ đó nữa. Càng tiết kiệm!
3. Cho người khác
Xin giới thiệu tip tiếp theo còn hay hơn tip trước: Mua cho người khác còn vui hơn cho mình.
Mình thích tặng quà cho mọi người, đặc biệt vui khi biết mình chọn trúng theo sở thích/ nhu cầu của người nhận. Bánh tráng không được freeship thì hoy không mua nữa, nhưng mình sẽ sẵn sàng mua cà phê + bánh tiếp sức cho người anh em đang ngập đầu trong công việc. Mình cũng thích chuẩn bị những món quà không-vì-dịp-gì-cả, vì càng bất ngờ, càng vui.
Hạnh phúc sẽ đến từ ánh mắt rạng rỡ hồ hởi của người nhận, từ khoảng cách được kéo gần giữa hai người, từ việc tình thương được dịp bày tỏ,…
Một người chi mà những hai người vui, hời thế còn gì.
Bạn có thể đang tự hỏi, làm sao có thể cứ tiêu tiền cho người khác mãi được? Đây là phiên bản dành cho người nghèo mà????
Câu trả lời là: Bạn không nhất định phải chi tiền, mà chỉ cần cho đi những gì mình có.
Chia thức ăn cho em mèo hoang trên đường. Thả một tim, like, bình luận dưới blog đồng-write. Cho đi một lời khen chân thành. Một lời động viên khi người kia gặp khó khăn. Hoặc chỉ đơn giản là sự lắng nghe, sự hiện diện của bạn.
Đó cũng là những điều đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác rùi.
Hạnh phúc của bạn là gì?
Điều quan trọng nhất khi đi tìm kiếm hạnh phúc, là phải hiểu rõ hạnh phúc là gì. Mà cái này thì mỗi người có một định nghĩa khác nhau nhỉ?
Định nghĩa yêu thích của mình, nằm trong cuốn sách về hạnh phúc và chánh niệm mà mình cũng cực kỳ yêu thích:
“Happiness is not what you pursue, but what you allow” (Chade-Meng Tang, Search Inside Yourself)
(Hạnh phúc không phải thứ chúng ta phải đi tìm kiếm, mà là thứ chúng ta cho phép nó xuất hiện trong mình)
Với câu nói này trong đầu, mình đi tìm hạnh phúc trong những điều nho nhỏ đáng yêu trong cuộc sống thường ngày.
Mình thích mê khi được ôm những người mình yêu quý. Chăm sóc hai em cún và được hai ẻm quấn dính mỗi khi về nhà. Ăn một bữa cơm nóng hổi cùng bố mẹ. Cùng bạn bè đi chơi khám phá. Học được một điều siêu hay ho. Phát hiện mới về chính mình. Vẫy vùng thỏa thích dưới làn nước, hoặc cứ thế thả trôi và nhìn ngắm bầu trời…
Chẳng cần đi tìm mua hạnh phúc ở đâu xa đâu, vì hạnh phúc ở khắp nơi quanh chúng ta đó <3
Và đó là những cách để mình thấy hạnh phúc mà không phải chi tiền quá nhiều.
Vậy còn bạn thì sao? Điều gì khiến bạn vui vẻ và hạnh phúc?
#WOTNalumni
Bài viết thuộc thử thách viết 8 tuần Viết Tiếp Sức.
Bài này rất là actionable và dễ làm theo nhé. Thực ra c có thực hành một số ý trong này rồi (mua đồ cho mình và cho ng khác) nhưng chưa bao giờ nghĩ về nó thấu đáo như Uyên viết. Kudos em!!!
Vô tình biết được WOTN, và sau khi đọc hết blog của chị thì e quyết định tham gia luôn ạ!